To blog overview

Cách Bảo Vệ Thính Giác

Đôi tai là một trong những tài sản trân quý nhất của chúng ta. Nhờ đó, ta có thể lắng nghe những điều bạn bè, người thân yêu và đồng nghiệp nói với mình. Đôi tai cũng giúp ta nghe thấy những âm thanh cảnh báo nguy hiểm như tiếng còi báo động lốc xoáy hoặc tiếng còi ô tô.

Thật không may, sức khỏe đôi tai khá dễ bị đe dọa. Ví dụ: khi làm việc trong một xí nghiệp ồn ào giữa những máy móc ầm ĩ, ta có thể gặp phải nguy cơ mất thính lực cao hơn. Nghe nhạc quá to qua tai nghe chụp tai hoặc tai nghe nhét tai hay thường xuyên tham dự các buổi hòa nhạc cũng có thể làm tổn thương thính giác.

Dẫu vậy, có lẽ một trong những nguyên nhân lớn nhất đe dọa tới thính giác là chủ quan không khám tai khi nhận thấy thính lực của mình có nguy cơ suy giảm. 

Tuy không phải lúc nào cũng phòng tránh được tình trạng mất thính lực, nhưng chúng ta có thể thực hiện một số bước giảm thiểu rủi ro để giữ cho đôi tai luôn khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả nhất có thể. Các bước này rất đơn giản và dễ áp dụng nên tựu chung lại, thứ duy nhất bạn mất là nguy cơ mất thính lực.

1. Nhận biết thời điểm môi trường xung quanh quá ồn

Nếu bạn phải nói to để người bên cạnh nghe thấy hoặc nếu bạn khó nghe được những gì họ nói giữa tiếng ồn xung quanh thì khi đó, môi trường xung quanh bạn quá ồn. Tiếng ồn được coi là quá lớn nếu bạn cảm thấy đau tai khi nghe hoặc nếu sau khi ra khỏi nơi có tiếng ồn, bạn cảm thấy âm thanh không rõ ràng hoặc có tiếng chuông trong tai.

Âm thanh được đo bằng decibel và tất cả âm thanh trên 85 decibel đều có hại cho tai nếu bạn tiếp xúc với âm thanh đó trong một thời gian dài. Một số ví dụ về âm thanh trên 85 decibel là tiếng động cơ xe máy, tiếng nhạc nghe qua tai nghe chụp tai ở mức âm lượng cao nhất, tiếng máy sấy tóc bên tai hoặc tiếng máy bay cất cánh. Nếu có thể, hãy cố gắng giảm thiểu thời gian tiếp xúc với những loại âm thanh này để bảo vệ đôi tai trước những tổn thương lâu dài.

2. Bảo vệ đôi tai bằng nút bịt tai (và thường xuyên nghỉ giải lao)

Nếu bạn buộc phải ở trong môi trường có tiếng ồn lớn, hãy nhớ bảo vệ đôi tai của mình khi ở đó. Ví dụ: nếu bạn đang làm việc trong nhà máy, hãy đeo nút bịt tai khi làm việc gần máy móc ồn ào. Bạn cũng nên giải lao sau mỗi 15 phút tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

Nếu bạn đang đi xem một buổi hòa nhạc, không đứng cạnh loa và cân nhắc đeo nút bịt tai của nhạc sĩ, nút này không làm giảm chất lượng nhạc mà chỉ giảm âm lượng.

3. Vặn nhỏ âm lượng

Hầu hết thanh thiếu niên (và thậm chí nhiều người lớn) thích nghe nhạc ở mức âm lượng lớn qua tai nghe chụp tai hoặc trong xe. Thật không may, đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm tổn thương thính giác và thậm chí có thể khiến bạn phải sử dụng máy trợ thính khi về già. Vặn nhỏ âm lượng của bài hát bạn đang nghe xuống mức an toàn, dễ chịu là cách tuyệt vời để bảo vệ đôi tai không bị tổn thương.

4. Đi kiểm tra thính lực

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đi kiểm tra thính lực ngay khi có dấu hiệu bệnh đầu tiên có thể giúp bảo vệ đôi tai khỏe mạnh khỏi tình trạng mất thính lực vĩnh viễn. Bài kiểm tra thính lực trực tuyến của Signia có thể cho bạn biết dấu hiệu đầu tiên nếu bạn có nguy cơ mất thính lực. Bạn có thể làm bài kiểm tra trực tuyến hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. 

Tuy không có chức năng thay thế chuyên môn của bác sĩ, nhưng kết quả kiểm tra có thể cho bạn biết liệu bạn có cần khám gì không hoặc thính giác của bạn có ở mức tối ưu hay không.

Thính giác là yếu tố không thể thiếu cho một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và hạnh phúc. Vì vậy, hãy đảm bảo nỗ lực hết sức để bảo vệ sức khỏe đôi tai.

Go to the top